Cuộc đời Trần_Lâm_(Tam_Quốc)

Lâm tự Khổng Chương, người huyện Xạ Dương, quận Quảng Lăng [lower-alpha 1].[1][2][3] [lower-alpha 2] Cuối thời Hán Linh đế, Lâm được làm chủ bộ của Đại tướng quân Hà Tiến. Bấy giờ Hà Tiến muốn triệu tập mãnh tướng 4 phương về kinh sư, nhằm bức bách Hà thái hậu chấp nhận diệt trừ hoạn quan, Lâm can ngăn: “Kinh Dịch nhắc đến ‘Tức lộc vô Ngu’ [lower-alpha 3], ngạn ngữ có câu ‘bịt mắt bắt sẻ’. Ôi vật nhỏ mọn còn không thể dối mình đã đắc chí, huồng hồ đại sự của nước nhà, há có thể vờ đã xong việc ru? Nay tướng quân nắm hoàng uy, giữ binh quyền, tướng rồng binh cọp, hơn kém tại tâm, đây giống như quạt lò lớn đốt râu tóc vậy. Ôi lánh kinh hợp đạo, trời người xuôi theo, mà ngược lại từ bỏ lợi thế, còn mời gọi người ngoài giúp đỡ. Đại binh tụ hội, kẻ mạnh xưng hùng, có thể nói là cầm ngược can qua, trao cán cho người [lower-alpha 4]. Việc ắt không xong, chỉ gây loạn lạc.” Hà Tiến không nghe.[1][4]

Sau cái chết của Hà Tiến, Lâm tị nạn ở Ký Châu, được Viên Thiệu sử làm Điển văn chương.[1] Viên Thiệu vây khốn Đông Quận thái thú Tang Hồng, sai Lâm viết thư khuyên hàng, nhưng Hồng đáp thư cự tuyệt.[2][3] Viên Thiệu tấn công Tào Tháo, sai Lâm thảo hịch kể tội Tháo, đời sau gọi là "Vi Viên Thiệu hịch Dự Châu văn" (为袁绍檄豫州文), được Ngụy thị xuân thu (魏氏春秋) chép toàn văn. Viên Thiệu mất, Lâm phục vụ Viên Thượng. Tào Tháo vây khốn Thẩm Phối ở Nghiệp, Viên Thượng đến cứu nhưng thất bại, sai Lâm cùng Âm Quỳ xin hàng, bị Tào Tháo từ chối.[5]

Anh em họ Viên thất bại, Lâm quy hàng Tào Tháo. Tào Tháo hỏi Lâm khi xưa làm hịch kể tội mình thì thôi, sao lại sỉ nhục đến tổ tông 3 đời của Tháo, ông tạ tội. Tào Tháo yêu tài nên không truy cứu, lấy Lâm làm Tư không Quân mưu tế tửu, quản ký thất. Công văn của Tào Tháo, đều do Lâm cùng Nguyễn Vũ làm ra. Về sau Lâm được dời làm Môn hạ đốc.[1]

Năm Kiến An thứ 22 (217), Lâm cùng Lưu Trinh, Ứng Sướng, Từ Cán đều chết vì bệnh dịch.[1]